Search

Bài 1163: Hành Trang Người Phật Tử – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, quý Phật tử và các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Đã tới giờ đồng tu mời các bạn quy ngưỡng thân, tâm, ngữ, ý của mình về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn. Các bạn thân mến, thiền mật Thất Bảo Huyền Môn là pháp môn thiền và mật song tu với nhau. Ta an trú trong hơi thở chánh niệm vào ra, ứng dụng tánh thấy và biết để quán chiếu tất cả những cảm xúc, tư tưởng, suy nghĩ, tác động vào tâm và thân của chúng ta. Để từ đó chúng ta nhận rõ, tăng trưởng trí tuệ, hiểu biết vạn pháp – chữ pháp ở đây có nghĩa là mọi hiện tượng sanh diệt trong cuộc đời – đều vô thường, không trường tồn. Do đó, với sự tiếp được tha lực Phật điển từ mật chú Mu A Mu Sa làm cho chúng ta định hướng, không dính mắc, cưu mang những hiện tượng xảy ra trong cuộc đời như một thứ tồn tại mãi, để chúng ta dễ bỏ, dễ buông, nhẹ bước theo chân của đức Phật về với cõi an lạc ngay cuộc đời này, ngay chỗ này, ngay tại nơi đây trong hơi thở.

Các bạn chúng ta hãy bắt đầu vận hành hơi thở chánh niệm, hơi thở được đưa vào bằng mũi, đi xuống ngang phổi và xuống tới đan điền khí hải. Ở dưới đó chúng ta phình bụng ra khi hơi thở đi vào, thấy hơi thở vào từ mũi, và biết bụng phình ra. Khi thở, thở ra ta thấy hơi thở đi ra từ bụng dưới và biết bụng dưới của mình hóp vào, đồng thời trì mật chú Mu A Mu Sa. Giờ đây mời các bạn đặt bàn tay phải, bàn tay tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái, bàn tay tượng trưng cho từ bi. Chúng ta hãy lấy trí tuệ và từ bi quán chiếu hơi thở của mình. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực tiếp năng lượng từ bi khai mở trí tuệ để chúng con hiểu thấu hành trang người Phật tử là gì. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 lần)

Mô Phật! Các bạn, thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn là một sự công phu miên mật của chúng ta. Sự đồng tu sẽ có giá trị tuyệt đối, nếu như mỗi người chúng ta tinh tấn tu học. Ở trên đời không có gì tự nhiên mà tới. Kiến thức ở đời cũng cần phải trau dồi, học hỏi. Kiến thức Phật học cũng như thế. Các pháp môn chư Phật dạy cho chúng ta, mỗi người đều phải thực tập mới có thể có được kết quả. Còn bằng không chỉ nhìn sơ qua, miệng nói cho nhiều, kinh sách in đầy ở trên tường, sách vở, tạng kinh để đầy ở trên kệ nhưng không thực hành ta chẳng có lợi ích gì. Bởi vậy Thế Tôn khi xưa đã nhắc nhở đồ chúng của mình rằng: Những lời của ta nói chỉ như nắm lá cây ở trên tay mà thôi, con trí tuệ của ta, sự hiểu biết của ta như lá ở trên rừng. Các con khó có thể nhớ và liễu nghĩa được tất cả. Nhưng nếu như các con hiểu được một từ, thấu được một câu kệ, mang vào ứng dụng thì các con cũng chứng ngộ, giác ngộ như ta. Đây là một điều khẳng định chân lý của nhà Phật là mỗi người phải thực hành dù một pháp môn đơn giản bình dị, như niệm Phật, như lạy Phật, như sám hối, như tụng kinh, như thiền, như mật. Tất cả, tất cả những pháp môn chư Phật dạy đều có một công dụng hướng dẫn phù hợp với nhân duyên của mỗi người. Để chúng ta đi tìm lại bản tâm chân thật của mình, từ đó chúng ta tiếp cận được với nguồn hạnh phúc, năng lượng từ bi bất diệt, bất sanh, bất cấu, bất tịnh, bất tăng giảm vốn có trong tự tánh của chúng ta.

Hôm nay chủ đề quán chiếu các bạn gửi tới đó là “Hành Trang Người Phật Tử” Thế nào là người Phật tử? Hầu hết khi chúng ta sanh ra trong gia đình truyền thống từ ông bà cha mẹ, ở nhà có bàn Phật, rồi cúng, rồi kiếng, rồi thắp nhang, rồi tụng kinh, tượng nhiều lắm. Rồi ông bà, cha mẹ dẫn dắt chúng ta tới chùa trong những ngày rằm, rằm tháng tư, rằm tháng bảy, tết lễ, cúng kiếng ông bà. Cứ theo truyền thống đó ta đi thôi, nhưng đó chưa phải chính thức là người Phật tử đâu các bạn, người Phật tử chính thức phải là người đã thọ tam quy y ngũ giới. Còn nếu các bạn chưa thọ tam quy y ngũ giới, và chưa hiểu tam quy y với Phật, Pháp, Tăng là gì, và năm giới chưa giữ được, chưa có quy y nói gọn trong từ ngữ hiện đại, có nghĩa ta chưa phải là người Phật tử. Ta mới chỉ là người biết về Phật, theo tôn giáo của Phật, truyền thống của gia đình truyền lại cho chúng ta. Nhưng chưa chính thức là một người Phật tử đâu. Một người Phật tử phải là người đã tam quy y tức là ta đã quy y với Phật, nhận Phật là bậc thầy của chúng ta, dạy cho chúng ta. Ta đã quy y với Pháp là giáo pháp, con đường chư Phật dạy cho chúng ta để thành quả Phật. Và ta đã quy y với Tăng, một tập thể những người xuất gia có tinh thần sống hòa hợp, năng lượng yêu thương san sẻ. Với Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng, quy y như vậy và thọ trì năm giới của nhà Phật mới gọi là Phật tử. Còn nếu ta không làm được điều này, ta chỉ là người theo Phật. Dưới những nhân duyên hoàn cảnh khác biệt, khi lớn rồi chúng ta phải tự suy nghĩ và đặt để mình vào như thế nào. Chỉ là một người theo Phật hay là một đệ tử của Phật được gọi là Phật tử, đó là tùy duyên. Nhưng Bảo Thành luôn khuyến khích các bạn, chúng ta đã đồng tu với nhau, chúng ta đã nghe pháp, chúng ta nên tìm một vị thầy mà chúng ta cảm thấy có nhân duyên, một ngôi chùa có nhân duyên để quy y.

Ngày nay, vấn đề quy y, chúng ta phải gặp mặt các Thầy, hoặc có thể quy y ở trên mạng được. Bởi vì cũng chỉ là phương tiện, chúng ta gặp nhau trước mặt, hoặc trên mạng như vầy, chúng ta cũng có thể mặt đối mặt ở trên mạng, hướng về ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng, bậc thầy đó sẽ giải thích cho chúng ta hoặc là chúng ta nghiên cứu tìm hiểu trước Phật, Pháp, Tăng là gì, quy y như thế nào. Và chỉ cần một vị thầy trực tiếp ở ngôi chùa, am thất, hoặc một thiền viện, chùa to, chùa nhỏ, am thất không quan trọng. Miễn là vị thầy đó có nhân duyên với các bạn. Các bạn quy y để nương vào Phật, Pháp, Tăng và nương vào sự giáo dưỡng của vị Thầy đó nhắc nhở chúng ta. Để cho chúng ta tu đúng với ý nghĩa của người con Phật. Và khi các bạn đã quy y trở thành một Phật tử rồi, như đề mục quán chiếu hôm nay. Vậy hành trang của người Phật tử là gì? Hành trang của người Phật tử là Quy y Phật, Pháp, Tăng, thọ năm giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và giới thứ năm không sử dụng chích choác những loại thuốc say gây nghiện, gây cho chúng ta mất trí và tạo ra nghiệp. Đó là năm giới để bảo hộ, bảo hộ gì? Bảo hộ sáu căn của chúng ta, mà nói gọn hơn một chút xíu nữa cho dễ đó là bảo hộ thân, ngữ, ý. Bởi tất cả các nghiệp của chúng ta từ vô thỉ, vô chung đều tạo ra từ thân, tức là hành động. Từ ngữ, tức là ngôn ngữ tiếp xúc hằng ngày. Từ ý tức là tư tưởng, suy nghĩ. Tư tưởng, suy nghĩ theo chiều hướng tốt, ngôn ngữ sẽ được thể hiện tốt, hành động sẽ tương ưng. Suy nghĩ, thể hiện theo chiều hướng xấu bất tịnh, ngôn ngữ sẽ được chuyển dịch qua thể loại ngôn ngữ bất tịnh, hành động sẽ được chuyển hóa thành những sự tương tác gây tổn hại cho nhau.

Như vậy, chúng ta có đến ba bửu bối khi trở thành Phật tử mà chư Phật trao cho chúng ta. Đó là bửu bối thứ nhất, là ý, bửu bối thứ hai là khẩu, bửu bối thứ ba là thân. Nghĩa là thân, khẩu, ý là ba bình ngọc, là ba bình ngọc các bạn à, cao quý vô cùng. Ta có ba bình ngọc này để bắt đầu chứa hành trang Phật trao cho chúng ta đây. Bình ngọc của thân, bình ngọc của miệng, bình ngọc của ý, đẹp vô cùng. Đi một vòng trong cuộc đời, là người Phật tử, Phật trao hành trang đựng vào trong đó, cẩn cẩn ghi nhớ mang ra mà thực hành.

Các bạn, các bạn bỏ hành trang Phật trao cho chúng ta vào ba bình ngọc này là gì? Có phải chăng là những chuyện thô ác, hành động bất thiện, những tư tưởng xấu xa. Người có bình ngọc đi vòng một chợ đời đựng rác rưởi thì bình ngọc dù là bình ngọc cũng trở thành không có giá trị. Nhưng người đã có ba bình ngọc trong cuộc đời được đức Phật khai thị mà đựng vào đó trân châu bảo ngọc thì còn quý giá như thế nào nữa. Cho nên tội và nghiệp đều tới từ ba bình ngọc thân, ngữ, ý này. Và phước, sự may mắn cũng tới từ ba bình ngọc thân, ngữ, ý này. Bạn đựng gì vào đó để tất cả trở thành cao quý. Toàn bộ giáo lý của nhà Phật tóm gọn trong hành trang của hai chữ từ bi. Toàn bộ ý nghĩa sống của con người tóm gọn hai chữ tình yêu. Nếu ở trên đời thiếu tình yêu, chúng ta không biết phải như thế nào nữa đây. Nếu ta không có tình yêu của cha mẹ, chẳng có tình yêu của vợ chồng, của con cái, của người thân, người với người không có tình yêu, người với thú vật không có tình yêu, người với môi trường thiên nhiên không có tình yêu thì sự tàn phá, chết chóc sẽ xảy ra.


Hành trang mà cha mẹ cho chúng ta đi vào đời đó chính là tình yêu. Hành trang mà chư Phật đưa vào đời để chúng ta đựng vào ba bình ngọc đó, tráp ngọc đó là thân, ngữ, ý của chúng ta là từ bi, là từ bi các bạn. Còn quy y với Phật, giữ năm giới là để chúng ta nương vào Phật dạy để luôn luôn giữ được hành trang của Phật trao cho chúng ta. Năm giới là để bảo hộ ba bình ngọc này, ngọc của ý, ngọc ý, ngọc ngôn, ngôn ngữ các bạn. Ngọc thân, thân ngọc này, ý ngọc này, ngữ ngọc. Ba thứ ngọc cao quý này ta chứa vào lòng từ bi, nhờ năm giới mà ba viên ngọc cao quý này luôn trong sáng bởi từ bi. Còn nếu không giữ năm giới thì hành trang của Phật là từ bi gửi gắm cho chúng ta đã bị gạt bỏ qua và chứa đựng vào đó những tư tưởng bất thiện, lời nói thô ác, hành động nguy hiểm đối với muôn người. Thì ba bình ngọc đó trở thành ba thùng rác. Nói rõ, hành trang của người Phật tử sau khi thọ tam quy y, ngũ giới chính là từ bi trong pháp thiện, không thể nói từ bi trong ác được. Thiện, chỉ có tâm thiện mới có thể thể hiện được lòng từ bi, cho nên nói đến từ bi là trong đó đã có thiện rồi. Vậy rõ hơn, hành trang của người Phât tử là từ bi.

Các bạn, mà mỗi ngày chúng ta cùng đồng tu, an trú trong chánh niệm hơi thở thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn để tiếp được hành trang này, từng giây phút qua năng lượng từ bi, qua tha lực Phật điển. Thì cuộc đời của chúng ta đã có quá nhiều sự quan tâm chiếu cố của mười phương chư Phật rồi. Nói gọn, trong cuộc đời ta là những Phật tử cưng, trong gia đình ta là con cưng của gia đình, của cha, của mẹ. Và gia tài yêu thương của cha mẹ, đã trao lại cho ta. Ta là Phật tử cưng đã được mười phương chư Phật trao truyền hành trang vô thượng đó là lòng từ bi, đó là năng lượng từ bi. Năng lượng siêu thế tha lực Phật điển, giúp cho chúng ta khơi lại tánh thiện, sống đúng để ba bình ngọc: ý ngọc, thân ngọc, khẩu ngọc, tràn đầy trân châu bảo ngọc, đẹp hơn, tốt hơn, có giá trị và xứng đáng là phẩm giá của người Phật tử.

Các bạn, thật là đơn giản, nắm được ý đó, rõ được ý đó, hành đúng ý đó, chúng ta sẽ trở thành người giàu có nhất. Giàu có gì? Giàu có tình thương. Giàu có lòng từ bi. Giàu có những ý, ý như ngọc, cao cả vô cùng. Người có ý ngọc đi tới đâu cũng sáng, sống ở đâu cũng sáng và vô minh sẽ phải lùi bước cho người có ý ngọc, ý như ngọc Mani, ý như ngọc Mani. Khi tâm ý của bạn chất chứa đầy đủ hành trang từ bi, đó gọi là ý ngọc Mani. Ngọc Mani là một loại ngọc sáng không vẩn đục, trong suốt, phát ra ánh sáng. Cũng tượng trưng cho tâm Phật đấy, khi ý ngọc tức là ý của ta đã an trú trong Phật tánh, nó tự tỏa sáng. Và bất cứ ai sống gần chúng ta cũng thừa hưởng năng lượng thanh tịnh của ánh sáng ngọc Mani nơi ý ngọc mà sống bình yên, hạnh phúc. Còn khẩu ngọc của chúng ta là những ngôn ngữ như ngọc. Phật xưa nói một lời như nhả ra châu ngọc cho chúng sanh. Nếu chúng ta chất chứa ở trong khẩu ngọc của chúng ta hành trang từ bi, từng ngôn lời của chúng ta, từng chữ, từng lời của chúng ta như suối ngọc tuôn ra tắm mát cho những con người đang đau khổ, bất hạnh ngoài kia. Quan trọng vô cùng, và đây là phẩm giá cao quý Phật trao cho chúng ta. Và đây là hành trang vô thượng Phật trao cho chúng ta. Còn nếu ta còn có thân ngọc này, bằng những hành động y như pháp thiện, hiển lộ từ bi, thân ta sẽ hóa ra ngọc, hóa ra kim cương, sáng trong giữa cuộc đời vẩn đục, sáng trưng như mặt trời để tỏ lộ con đường cho người ta đi. Ai có đầy đủ ba viên ngọc quý này, ý ngọc, khẩu ngọc và thân ngọc chất chứa năng lượng từ bi, người đó trở thành cao quý vô cùng. Và người đó mới xứng đáng mang danh là Phật tử. Còn nếu như các bạn đã quy y với Phật, Pháp, Tăng, giữ năm giới mà không chất chứa trong ý ngọc, khẩu ngọc, thân ngọc của ta hành trang là năng lượng từ bi. Thì các bạn chẳng phải là Phật tử, chúng ta chỉ mang danh Phật tử quy y cho có lễ nghi mà thôi. Nhà Phật không cần sắc tướng, những nghi tướng, mà cần chính tâm của mình. Tâm từ bi chứa đựng trong ý ngọc, ngọc Mani, ý Mani. Khẩu, khẩu ngọc chứa ngọc Mani tuôn tràn dòng châu ngọc từ những ngôn ngữ dễ thương, ái ngữ làm cho tất cả những mảnh đời đau khổ, khắc nghiệt cỡ nào, khi ngôn ngữ dễ thương như châu ngọc của ta tuôn ra, họ được tắm mát như người lạc vào sa mạc, tìm được ốc đảo có nguồn nước. Họ sẽ hạnh phúc, không những thế mà chính ta cũng tìm về được nguồn suối châu ngọc từ ngôn ngữ dễ thương, ái ngữ của chúng ta. Người Phật tử và hành trang của người Phật tử không còn là thứ để mang theo nữa. Đã gọi là Phật tử chúng ta không thể để hành trang để khoe, để trưng bày trong căn phòng đầy ắp kinh sách, chuông mỏ rình rang, mà hành trang đó phải thẩm nhập vào trong đời sống của chúng ta. Phải thẩm nhập vào trong ý biến thành ngọc, thẩm nhập vào trong ngôn ngữ để biến thành ngọc, thẩm nhập vào trong thân để biến thành ngọc. Ta thành ngọc, ngọc lưu ly cao quý vô cùng, ngọc Mani sáng trưng tỏ lộ giữa đời.

Các bạn, hành trang người Phật tử chính là năng lượng từ bi được chứa đựng trong ba thứ ngọc quý này: ý ngọc, khẩu ngọc và thân ngọc. Thân, ngữ, ý của chúng ta là ngọc các bạn ơi, thứ cao quý vô cùng. Bạn không thể mang rác rưởi, thứ hôi thối mà nhét vô trong miệng được. Thân này cũng chẳng cõng, chẳng ôm, chẳng ấp, chẳng cưu mang rác rưởi được đâu, ý này mà nhồi nhét những thứ như rác rưởi vô thì còn gì nữa. Ai cũng biết mà, từ đó ta nhớ, ta phải mang tất cả mọi rác rưởi từ ý, từ khẩu, từ thân ra bên ngoài. Để chất chứa vào đó hành trang mười phương chư Phật đã trao tặng cho chúng ta. Đó chính là năng lượng từ bi để chúng ta có được ý ngọc Mani, khẩu ngọc Mani, thân ngọc Mani, ý tràn đầy năng lượng từ bi như ngọc Mani sáng soi đường cho muôn người đi. Khẩu thành khẩu ngọc Mani, tuôn ra những dòng châu ngọc trong sự tương tác bằng những ngôn ngữ, những từ ngữ đúng như lời Phật dạy, dễ thương, ái ngữ, từ bi. Và thân này luôn tỏ lộ hành động tràn đầy tình yêu thương, nhân nghĩa, hiếu đạo.

Các bạn, nếu bạn có đầy đủ ba viên ngọc này ở trong đời bạn đã trở thành một bậc thánh. Thánh là gì? Là chúng ta sống như các bậc thánh, thoát khỏi cảnh phàm, thu lượm rác rưởi chất chồng vào thân, ngữ, ý. Hành trang người Phật tử là năng lượng từ bi, là tư tưởng, suy nghĩ từ bi, ngôn từ từ bi, hành động từ bi. Từ Bi là mang niềm vui san sẻ với mọi người, từ là mang niềm vui san sẻ với mọi người. Bi là biết an ủi sự đau khổ của người khác, chia sẻ và an ủi, chia sẻ niềm vui và an ủi người thống khổ bệnh hoạn, đau đớn, cô đơn, bất hạnh ở đời, đó chính là từ bi. Hãy mang hành trang này chứa trong thân, ngữ, ý để chúng ta xứng danh là Phật tử có được ba viên ngọc cao quý, mang phụng hiến cho cuộc đời. Mời các bạn đặt bàn tay phải trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi. Chúng ta lấy trí tuệ và từ bi thâu nhiếp vào thân, ngữ, ý để có được hành trang cao quý của Phật trao cho chúng ta. Mời các bạn chúng ta bắt đầu.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực tiếp năng lượng từ bi khai mở trí tuệ để chúng con có đầy đủ hành trang chất chứa trong ba viên ngọc quý đó là ý ngọc, khẩu ngọc và thân ngọc. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa.(7 biến)

Các bạn, chúng ta là Phật tử rồi, chúng ta quy y với Phật, Pháp, Tăng, thọ năm giới. Chúng ta được Phật tao tặng cho hành trang đi vào cuộc đời đó chính là năng lượng từ bi. Năng lượng đó được chứa vào trong ba thứ ngọc quý của cuộc đời, đó là ý ngọc, khẩu ngọc và thân ngọc. Người có ý như ngọc Mani, người đó khuôn mặt sẽ sáng, phúc hậu tràn đầy, tươi tỉnh, nụ cười mang lại hạnh phúc cho muôn người. Người có khẩu ngọc Mani, tức là ngôn ngữ như ngọc tuôn ra, ai ai ở trong đời khi tiếp cận cũng quý kính, thương yêu họ, và người đó đi tới đâu nói gì ai cũng nghe. Lời của họ sẽ làm êm dịu vết thương lòng muôn người, lời của họ là châu ngọc gội rửa phiền lụy, đau khổ cho muôn chúng sanh. Người có thân ngọc Mani là người có thân phẩm giá cao cả trong những pháp từ bi, sẽ chữa lành bệnh hoạn cho muôn người và cho họ, và mang lại cho muôn người sự sống, khởi nguồn hạnh phúc, bình an bất diệt, cao quý thay. Người Phật tử chúng ta đã có được ba thứ bửu bối, ba viên ngọc như ý, ý ngọc, khẩu ngọc, và thân ngọc. Đồng thời hành trang Phật trao tặng là năng lượng từ bi. Là những người Phật tử, là những bạn đồng tu trong thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn, ta phải cảm niệm và tri ân mười phương chư Phật. Ta phải cảm niệm và tri ân đấng bậc sinh thành, tất cả những người như vợ chồng, con cái, đã cho chúng ta một điều kiện vi diệu để biết được Phật Pháp, Tăng. Nay còn tiếp nhận được Thất Bảo Huyền Môn, ta phải thành kính, chúng ta phải thành kính khấn nguyện rằng, phát nguyện rằng là chúng con hôm nay một lòng quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng, giữ năm giới để đón nhận hành trang cao quý của Phật là năng lượng từ bi vào cuộc đời. Và luôn luôn nguyện xin làm đệ tử của đức Như Lai, hợp nhất thân, tâm, ngữ, ý, quỳ dưới Phật đài buông hết trần tâm, một lòng quý kính. Để chúng ta xin tiếp nhận diệu pháp vi diệu của tha lực Phật điển, năng lượng từ bi vào ba viên ngọc của chúng ta là ý ngọc, khẩu ngọc và thân ngọc. Để tinh chuyên tu tập mỗi ngày, nuôi giới, định, tuệ lớn lên từng giây phút trong chánh niệm, để tăng trưởng quả bồ đề của chúng ta một mai thành tựu thật nhanh. Chúng con cầu hồng ân Tam Bảo, đêm ngày che chở, ngày lành đêm lành, sáu thời đều an lành. Và như vậy ta phát nguyện cúi xuống với tâm thành kính, ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng để chúng ta viên thành đại nguyện như vậy. Chúng ta là những Phật tử chân chính có nhân duyên và đã đi vào sự thẩm nhập của pháp môn thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn. 

Các bạn thân mến, các bạn đã có hành trang và hiểu rõ hành trang của người Phật tử. Đặt biệt là người Phật tử tu tập Thất Bảo Huyền Môn. Đó chính là năng lượng tha lực Phật điển, Phật gửi tới cho chúng ta. Đi đâu cũng luôn luôn tiếp năng lượng này vào và ban rải năng lượng này tới cho muôn người. Nhớ biến ý của mình thành ngọc, ý ngọc, biến khẩu, ngôn ngữ của mình thành khẩu ngọc, biến những hành động của mình thành thân ngọc. Có ba viên ngọc này rồi, cuộc đời của các bạn cao quý vô cùng, được xếp vào hàng bậc thánh. Còn nếu như không có ba viên ngọc này, chất chứa toàn rác rưởi, thì các bạn đã tự hạ mình xuống bậc của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh rồi. Sự lựa chọn là các bạn, sách tấn là quý thầy, các bậc cổ đức, thánh thiền và chư Phật. Nghe được hợp nhân duyên, sự sách tấn này sẽ viên thành. Còn không, các bạn tự hạ mình xuống. Hãy tự nâng mình lên phẩm giá cao quý nhất bằng thực hành giáo lý của nhà Phật. Đừng hạ mình xuống bởi sự cám dỗ xúi dục của ma quỷ. Cảm ơn các bạn đã đồng tu. Mời các bạn chắp tay vào, bàn tay phải trí tuệ nè, đặt vào lòng bàn tay từ bi, chúng ta an trú trong bảy biến nữa, mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Để chúng con biết nâng cao phẩm giá của ba viên ngọc là ý ngọc, khẩu ngọc và thân ngọc chứa đựng năng lượng từ bi đi vào đời, chuyển hóa khổ đau, mang niềm vui tới cho muôn người. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)

Mô Phật! Các bạn, chúng ta vừa hoàn thành hai mươi mốt biến đồng tu vi diệu âm, chánh niệm Mu A Mu Sa. Mời các bạn chắp tay vào chúng ta hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa. 

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu này tới tất cả các bậc sinh thành nên chúng con. Cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ, thân bằng quuyến thuộc nếu đã quá vãng được sanh về cảnh giới tịnh độ. Nếu các đấng bậc sinh thành còn hiện hữu, tăng long phước thọ, sống vui tu pháp Phật nhiệm mầu.

Chúng con cũng hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo. Đặc biệt hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia, biết mang hành trang của Phật vào cuộc đời thành lập nên chính sách hòa bình cho thế giới. Cầu nguyện cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược có trí tuệ chế ra được vaccine, thuốc chữa bệnh đại dịch. Cầu nguyện cho tất cả các bác sỹ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ, cứu tế mở lòng khoan dung chữa lành tất cả bệnh tật trên thế gian. Cầu nguyện cho những ai còn đau khổ, khổ đau, đặc biệt nơi quê hương quốc tổ Việt nam chúng con có được sự hòa bình, bình an thoát dịch để trở lại cuộc sống an yên, tự tại.

Nguyện cầu cho tất cả các chư hương linh được vãng sanh miền cực lạc.

Xin chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts