Search

4117. Nhân Duyên Với Phật

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu này.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, hành các pháp thiện, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền, các bạn đồng tu thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả, nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc, xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt hai bàn tay vào với nhau, tay phải ở trên tay trái ở dưới. Chúng ta hãy ngồi tĩnh lặng và luôn ghi nhớ lời Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi lan tỏa tình yêu thương. Trong từng hơi thở vào ra ta ứng tánh biết để thấy rõ, ghi nhận mọi cảm xúc, suy nghĩ hiện tại, ngay bây giờ của chúng ta. Nương vào hơi thở, mang tâm Từ bi tưới tẩm vào cho mọi điều ta đang ghi nhận.

Hãy bắt đầu hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Mô Phật! Thông thường chúng ta thường nghĩ, phải khoác lên trên người chiếc áo lam thì gọi là người theo Phật. Tới chùa tụng kinh thì gọi là Phật tử hoặc quy y Tam Bảo, những điều như vậy đúng, không bao giờ sai, tuy nhiên nó vẫn nặng về mặt hình thức mà thôi. Nhân duyên với Phật không phải chỉ về hình thức như quần áo, cách xưng hô, cách hành lễ trong tôn giáo. Bởi Đức Phật không phải là một nhà sáng lập ra tôn giáo, để rồi từ đó chúng ta xưng tán Ngài và đặt để mình vào trong hàng ngũ của Phật giáo và ca tụng nhau chúng ta có nhân duyên với Phật. Những người thuộc tôn giáo khác họ không có nhân duyên với Phật vì họ có tụng kinh của nhà Phật đâu, họ có đi chùa đâu, họ có niệm Phật đâu, họ có thọ giới đâu.

Ngày nay thế giới mở rộng rồi, xã hội tưởng chừng như vô tận mênh mông trên hành tinh, mà ngày xưa này đó ta nghĩ rằng khó có cơ hội gặp nhau từ đông tây nam bắc. Thế giới mạng mang con người tới thật gần, chỉ trong một giây, một phút vẫn có thể gặp gỡ ở trên mạng. Niềm tin của các tôn giáo có thể ta đã biết và cũng có thể ta chưa một lần được nghe, chúng ta đều có thể tiếp cận được ở trên mạng. Không còn ở trong cái làng, cái thôn, lũy tre, cái xóm mà đi làm hoặc cuộc sống ngày nay đã đưa chúng ta tới một sự tương tác rộng hơn với các bạn thuộc các tôn giáo khác. Có duyên với Phật không thể chỉ định nghĩa trên những văn tự của nhà Phật đâu. Nếu nói cho rõ một chút và dễ hiểu Phật có nghĩa là Từ bi, là Trí tuệ, là Tỉnh giác, là Thiện lành bao dung, vị tha, hỷ xả. Những câu nói vừa rồi mới chính là Phật và chữ nhân duyên với Phật đơn giản là bất cứ một người nào, không phải cài đặt hoặc đi theo Phật giáo. Tất cả từ đông sang tây, quốc gia nào, con người nào, dân tộc nào, tôn giáo nào cũng được. Nếu ai đó có tâm từ bi yêu thương mọi loài, mọi người, kính trọng lẫn nhau thì người ấy có nhân duyên với Phật.

Ai có một sự suy nghĩ sáng suốt để lựa chọn con đường đúng, con đường tốt, sửa đổi những sự sai trái, ứng dụng những sự đúng tốt vào cuộc sống – người ấy có nhân duyên với Phật. Những ai luôn luôn tỉnh thức, nhìn cho rõ mọi suy nghĩ, hành vi, lời nói trong sự tương tác hàng ngày, đối nhân xử thế cho đúng, để mọi người khi tương tác với nhau an lạc hạnh phúc, chẳng buồn, chẳng khổ – người ấy có nhân duyên với Phật. Ai đó biết làm các việc thiện thường xuyên, nâng đỡ người nghèo khổ, giúp đỡ kẻ đói ăn, thăm viếng người bệnh hoạn, biết san sẻ với những mảnh đời bất hạnh, biết quan tâm lẫn nhau – người ấy có nhân duyên với Phật. Và ai có lòng bao dung biết tha thứ, có tấm lòng rộng lớn – người ấy có nhân duyên với Phật. Ai biết xả bỏ những chuyện không cần thiết, hoan hỷ đối với mọi người – người ấy có nhân duyên với Phật. Và rồi những điều vừa nghe không nằm trong khuôn mẫu cứng ngắc phải là người theo Phật giáo, chỉ cần theo tâm yêu thương, chỉ cần noi theo sự sáng suốt, sự tỉnh thức, tâm thiện của mình. Để san sẻ với mọi người, lòng bao dung, sự buông bỏ những điều xấu, những điều không cần thiết, là có nhân duyên với Phật.

Cuộc sống này Bảo Thành và các bạn đã có những cơ hội sống gần và làm việc với biết bao nhiêu ông bà, cô chú, anh chị em thuộc tôn giáo khác, chẳng phải là Phật giáo, có nhân duyên với Phật một cách rộng lớn. Là vì họ luôn luôn mang tình thương làm tiêu chí sống trong cuộc đời và họ luôn luôn suy nghĩ trong sự tĩnh lặng để sáng suốt, để tỉnh thức, để yêu thương, để bao dung, để tha thứ. Họ không bao giờ cứng ngắc, chấp trược, rất dễ thương, đấy, họ có nhân duyên với Phật. Ngày nay không cần thiết phải là Phật giáo, là Phật tử, mà tất cả mọi người nên phải là người biết đối xử với nhau bằng tình yêu thương chân thật, bằng sự sáng suốt thanh tịnh, bằng sự tỉnh thức trong mọi lúc, bằng các hành vi bao dung tha thứ, thiện lành, yêu thương, hỷ xã.

Nếu nghĩ được như vậy và hành được như vậy, biên giới của tôn giáo không còn là những hàng rào cản trở chúng ta. Để khiến mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt khác biệt của niềm tin của tôn giáo. Mà trong ánh mắt của mỗi người chúng ta nhìn nhau long lanh như sao trời cao rộng, mênh mông vô tận. Vì cõi lòng của chúng ta biết bao dung, biết tha thứ, biết yêu thương. Nhưng rất tiếc ngày nay khuôn mẫu của tôn giáo được tôn vinh tán tụng quá cao, để rồi một cách vi tế ta đã chấp vào hình thức nghi lễ của tôn giáo, để mặc định ai đó có nhân duyên với Phật theo ngôn từ của Phật giáo.

Các bạn thân mến, tình yêu thương, sự sáng suốt, sự tỉnh thức, sự tha thứ cho nhau chỉ được đặt để trong khuôn mẫu là tôn giáo với mình mà thôi. Cái đó nó lỗi thời và xa lắm rồi, nó tạo ra hiềm khích và cạnh tranh chia rẽ, nguy hại hơn là tạo ra sự chiến tranh giữa các tôn giáo với nhau. Chỉ vì ta cố tạo ra khuôn mẫu tôn giáo cứng ngắc, cần phải sửa vì tu theo lời Phật dạy là sửa những điều sai, sửa những điều xấu và mang những điều đúng tốt ứng dụng vào cuộc đời. Ai biết làm như vậy có nhân duyên với Phật, thật tuyệt vời. Bảo Thành rất hạnh phúc và rất vui có sự quen biết, làm việc, trao đổi và san sẻ những giá trị sống trong cuộc đời với thật nhiều, thật nhiều các bạn thuộc tôn giáo khác. Các bạn ấy không bao giờ dính mắc hoặc vì rào cản của tôn giáo khi tới với Bảo Thành và Bảo Thành đã học được một tấm gương sáng như thế, để thấy rằng các bạn ấy có nhân duyên với Phật. Phật đúng mức là Từ bi, Phật đúng mức là Trí tuệ, là Tỉnh giác, là Thiện lành, là bao dung tha thứ, là hỷ xả. Đấy, Phật như vậy và ai ai làm được những điều như thế, sống như vậy, tin vào những điều chân thật của chân lý hằng sống đó, thì người ấy có nhân duyên với Phật.

Mang điều hiểu biết như thế này ứng dụng vào cuộc sống, trao đổi với nhau, gắn kết với nhau, đồng hành với nhau, thì giữa ta và muôn người trên thế giới này là một vòng tròn biết san sẻ những giá trị sống đích thực. Chẳng còn sự cản trở, hiềm khích, phân biệt giữa các tôn giáo nữa. Các bạn thân mến, thế giới đổi mới quá nhanh, biết bao nhiêu những điều tốt đẹp xưa bị phủ nhận, nay được ứng dụng để tạo ra một nền hòa bình và trật tự mới trong tình thương và trí tuệ, tỉnh giác. Chúng ta hãy làm như vậy đi để xứng đáng thật sự là người có nhân duyên với Phật. Lòng thành kính thực hiện được những điều vừa nói là một trong những pháp balamật, trong lộ trình tâm đưa chúng ta đến cứu cánh Niết Bàn, giải thoát khỏi đau khổ và phiền não. Còn không chúng ta cũng chỉ là người chui vô cái rọ, tự dìm mình xuống dòng sông của những sự chế định trong giới, quy tắc của tôn giáo mình theo mà chẳng hề hay biết. Đến khi ngộp thở chết rồi mới ngộ ra cả đời đã quá chấp cho những điều ta lầm tưởng là chân lý. Các bạn, hãy sống một đời sống thảnh thơi trong chánh niệm của hơi thở từng giây phút trong hiện tại, thấy biết, ghi rõ vậy đã là đủ. Thần thông vi diệu là thấy biết, ghi nhận rõ trong chánh niệm của thực tại, mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ. Điều ấy mang lại bình an cho chúng ta, chúng ta hãy trở lại với hơi thở chánh niệm và tổng trì mật ngôn.

Thưa Phật! Tôn giáo không phải là hành lang đi vào cõi Phật, mà nhân duyên với Phật là những người có tấm lòng biết yêu thương, sống sáng suốt và luôn luôn tỉnh thức làm các việc thiện, biết buông xả, biết bao dung và tha thứ. Xin Phật gia trì cho chúng con sống thực hiện được những đức hạnh như vậy, để xứng đáng là những người có nhân duyên với Phật.

Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts