Search

Chú Tiểu Dễ Thương

Bảo Minh đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa!

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Các bạn thân mến, sống ở đời ai trong chúng ta cũng luôn luôn phải tương tác với mọi người. Chúng ta luôn luôn bởi đó là lẽ sống, không ai sống mà tự tách biệt mình ra với xã hội, với gia đình, với người thân. Chỉ trong gia đình gọn nhỏ, có vợ chồng với các con thì sự tương tác giữa vợ và chồng cũng hằng ngày, luôn luôn. Do đó, mà các bạn có biết không? Sự tương tác đó đòi hỏi chúng ta phải biết cách, nếu không mỗi ngày nó sẽ bị bụi bặm của sự tương tác không phù hợp kết lại tạo thành những bức tường ngăn cách. Để rồi từ đó vợ chồng, con cái không còn nói chuyện với nhau được nữa, tạo ra sự ngăn ngại, thiếu đi thông cảm.

Có câu chuyện kể như vầy. Có hai thầy trò, một vị thầy lớn tuổi và một chú tiểu nhỏ, trong một ngôi chùa thật bé trong một thành phố toàn là quan quyền. Thành phố đó chỉ có một ngôi chùa nhỏ mà thôi. Hai thầy trò sinh hoạt bình thường. Các quan ở gần chùa ai cũng có quyền lực, họ có tiền, có tài, có danh, lại có kiếm ở trên tay, ai thuận lòng thì họ vui mà không thuận họ có thể nguy hiểm cho bản thân. Họ cũng tự cao dữ lắm, ngông nghênh, ai cũng muốn thể hiện quyền lực của mình.

Ông sư phụ dạy cho chú tiểu rằng: Con ơi! Ta sống ở trong thành phố có nền văn minh lớn, cho nên con phải nhớ lời sư phụ, nay ta truyền cho con một cái pháp. Nhớ rằng, khi con thấy ai tới thì luôn luôn phải nhìn thấy đằng sau họ là một vị Phật đang tới trao quà nha con. Cho nên đừng bao giờ gặp ai khi họ nói một lời gì, tặng một cái gì, ghé thăm, chia sẻ một điều gì mà quên cảm ơn. Khi con cảm ơn họ là cảm ơn Phật.

Chú tiểu thì ngây thơ, Thầy dạy rằng cảm ơn một người tới nói chuyện, một người tới hiến tặng một điều gì, hoặc ghé ngang thăm hỏi, tức là cảm ơn Phật và phải nhìn thấy Phật ở đằng sau người đó. Cho nên chú tiểu nghe theo và cũng làm theo như vậy.

Quan quân hống hách dữ lắm, thấy trong thành phố này không có chùa, mà lại thấy một ngôi chùa lụp xụp nhỏ, có lão sư với chú tiểu, thì hơi bực mình ghé ngang. Nói này nói kia, không biết nói gì với chú tiểu, bởi vì sư phụ thường ở trong tu tập, ít ra bên ngoài đón khách. Trước khi họ nói xong ra đi, luôn luôn nhận được lời cảm ơn của chú tiểu. Chú tiểu mỉm cười thật là dễ thương và chỉ biết nói lời cảm ơn các ngài. Chỉ có vậy mà thôi.

Và rồi ai ai khi tới chùa làm việc gì, nói cái gì, hoặc là chỉ thắp nhang dâng cho Phật thôi, chú tiểu cũng nhẹ nhàng chắp tay lại cúi đầu xuống, mỉm cười nói hai chữ cảm ơn. Cũng hai chữ “cảm ơn” đó, từ miệng lưỡi của một chú tiểu thật ngây thơ, nhẹ nhàng, chất phát, chân phương, dễ thương lắm. Quan quyền càng ngày càng tới đông, lính lác cũng càng tới nhiều, người trong thành phố ai cũng lui tới. Bởi vì dù họ như thế nào đi nữa, chú tiểu kia cũng luôn luôn chắp tay và nói hai lời chân thành “cảm ơn” các ngài. Chỉ có một pháp đơn giản như vậy.

Rồi năm tháng trôi qua, quan quân trong triều mới thấy, thành phố của chúng ta có một ngôi chùa mà chúng ta thường lui tới để lễ bái Chư Phật mà sao nó nhỏ quá. Ở đó thật là an bình, sao chúng ta không bắt tay vào xây dựng một ngôi chùa để cho hàng quan thứ của chúng ta có cơ hội tới lễ Phật? Thế là các quan quân ở trong triều cùng những người trong thành phố, bàn tán với nhau và tự tới để xin phép vị sư phụ kia xây dựng ngôi chùa cho phù hợp với dân tình, với ngữ cảnh của thành phố. Sư phụ chỉ mỉm cười chắp tay nhưng chú tiểu cũng như mọi ngày chắp tay mỉm cười, thành kính vô cùng nói hai chữ “cảm ơn”. Khi chú tiểu nói cảm ơn các ngài, thì các vị đó luôn luôn hạnh phúc và an vui. Bởi hình như họ đón nhận được sự đồng ý của vị sư phụ kia. Sư phụ thì luôn tự tại, chú tiểu thì luôn mỉm cười cảm ơn. Thế vậy mà trải qua vài tháng trời, ngôi chùa thật là nhỏ, nay không lớn, không nguy nga hùng tráng như một ngôi hùng điện bình thường khác ở các thành phố kia. Nhưng thật khiêm tốn, đầy đủ trong thành phố này, và từ đó ai ai cũng tới.

Một hôm, chú tiểu nói với sư phụ rằng thưa sư phụ: Tại sao cả cuộc đời Ngài học cái gì con không biết. Từ khi Ngài dắt con tới đây định cư, Ngài không dạy gì cho con, chỉ dạy hai chữ cảm ơn. Và con đã thực tập lâu lắm rồi. Thực tập từ thuở chùa còn bé, cũng hai chữ cảm ơn. Nay cũng hai chữ cảm ơn đó mà ngôi chùa đã thành tựu, con không hiểu tại sao chỉ hai chữ cảm ơn mà Thầy không làm gì, con không làm gì, chùa lại được thành tựu như ngày hôm nay?

Lúc này, ông sư phụ mới nói với đệ tử rằng: Con ơi! Rõ ràng hai chữ cảm ơn có diệu lực để cho con và Thầy có tất cả. Hai chữ cảm ơn sẽ làm cho thầy trò mình có tất cả. Chỉ có điều là chúng ta có giữ được lòng chân thành trong hai chữ cảm ơn đó hay không. Những gì có được ngày hôm nay, chính là bởi vì trong hai chữ cảm ơn ai cũng biết nói nhưng thiếu đi lòng chân thành, mà chỉ có con biết phát ra ngôn ngữ cảm ơn đó nhưng lồng vào một sự chân thành nên năng lượng vi diệu đến mức mọi người đều tình nguyện để làm nên ngôi chùa này. Con nhớ rằng, hai chữ cảm ơn với lòng chân thành sẽ giúp cho chúng ta có được tất cả.

Các bạn thân mến, cuộc sống đúng như vậy. Nếu chúng ta có lòng chân thành và biết nói cảm ơn tới với nhau, ta có tất cả. Trở về ngôi nhà của chúng ta, nơi đó có vợ chồng, con cái, người vợ đã phải từ bỏ tất cả tới sống với chúng ta, người chồng cũng vậy. Hai con người tình nguyện từ bỏ tất cả, để hy sinh cho nhau. Nếu chúng ta có cái tâm chân thành cảm ơn nhau bởi những nghĩa cử, những hành vi, những sự hy sinh tận tụy, những sự dâng hiến cho nhau, thì nhất định ngôi nhà đó có tất cả, có tất cả không bao giờ thiếu thốn. Những gia đình nào ở trong cuộc sống, thiếu cái này, thiếu cái kia để rồi con cái phải khổ, gia đình lận đận, chính là giữa cha và mẹ, giữa vợ và chồng chưa biết nói lời cảm ơn chân thành đối với nhau, cho nên luôn thiếu thốn.

Đúng vậy các bạn! Các bạn đừng coi thường lời cảm ơn bằng lòng chân thành đối với những con người đã hy sinh tất cả cho ta. Ta chưa nói đến cha mẹ đâu, mà ta cũng chưa nói tới những bậc ân nghĩa ở đời. Ta chỉ nói vỏn vẹn trong gia đình, giữa tình nghĩa vợ chồng. Nếu hai vợ chồng biết nói những lời cảm ơn bằng tâm chân thành thực sự đối với mọi hành vi, nghĩa cử, dù nhỏ hay dù lớn. Bởi sự hiểu biết thật rõ rằng, khi hai chúng ta tới sống với nhau là sống bằng sự tận hiến, hy sinh cho nhau. Cho nên dù việc to hay việc nhỏ ở trong gia đình phải luôn luôn vợ và chồng phải có lòng chân thành thực sự. Biết tỏ lời cảm ơn tới vợ hoặc tới chồng thì người xưa ông bà nói “thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”. Huống hồ chi là một vũng nước sình của muôn sự gian khó đang gặp nơi thử thách của cuộc đời.

Các bạn, hai chữ cảm ơn với lòng chân thành sẽ giúp cho gia đình của các bạn có được tất cả. Hãy thực tập với nhau, đừng ngượng miệng. Trong cuộc sống, nhìn đi, hình như giữa vợ chồng chúng ta thiếu đi lời cảm ơn chân thành. Rồi từ đó đối với đấng bậc cha mẹ, ta cũng quên lời cảm ơn chân thành. Đối với quý vị ân nhân, quý vị Thầy tổ, các vị trưởng lão, các Thầy cô, các vị Thiện tri thức, với bạn bè, với cô bác xóm làng, với muôn người tới với cuộc đời chúng ta, chúng ta thiếu đi hai chữ cảm ơn với lòng chân thành. Nhớ, chú tiểu kia chỉ biết cảm ơn với lòng chân thành đối với tất cả những ai có nhân duyên bước vào ngôi chùa nhỏ bé. Vậy mà diệu lực phi thường đã làm cho chú tiểu và sư phụ có được tất cả phương tiện phù hợp để cúng dường lên Phật.

Cuộc đời của chúng ta, một đời tận hiến cho nhau trong gia đình, nếu vợ và chồng cả hai người biết luôn luôn trân quý với lòng chân thành, cảm ơn nhau trong mọi nghĩa cử của cuộc đời. Nhất định gia đình của các bạn sẽ là một gia đình hạnh phúc nhất. Bởi hai chữ cảm ơn với lòng chân thành sẽ làm cho các bạn có được tất cả.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts